ĐÔI VAI XOẮN ỐC
GRADUATION DAY
" Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi" (Tv 65,12)
Sáng thức dậy ngước mắt nhìn trời xanh, chim vẫn hót gió vẫn trong lành, vậy mà tuổi hai mươi ba mình có gì nhỉ? là những chuỗi ngày khủng hoảng hiện sinh bắt đầu trỗi dậy, nghi ngờ bản thân, mất định hướng vào những thứ có ở tương lai. Nhưng may quá khoảng thời gian khủng hoảng này xảy ra không quá nhiều với tôi.
Một vài tháng đầu trong hành trình tuổi 23, dấu ấn đặc biệt có lẽ chính là khoảnh khắc nhận tấm bằng đại học danh dự dưới sự chứng kiến của ba. Tôi ao ước ngày ông ấy có thể đặt chân đến mảnh đất lạ mà con gái ông đã miệt mài 4 năm và có thể sẽ còn gắn bó dài với mảnh đất này. Niềm hạnh phúc của đứa con gái được thể hiện nơi khuôn mặt ông ấy hết thảy.
Chưa bao giờ mình thấy thương ba mình nhiều như vậy, thương con gái tuổi thân không có người thân bên cạnh, ông lặn lội với vài ba đồng tiền mượn người này người kia, đón xe vào Sài Gòn để nhìn được khoảnh khắc đặc biệt trong tuổi đời 23 của con. Người đàn ông vốn nhỏ nhắn, đôi vai thô kệch với vài ba viên ốc xoắn mãi tận hai ba năm vẫn chưa chịu tháo cỡi. Thời điểm đón ba ở bến xe tôi chợt nhớ lại cái ngày mà mẹ chở ba đi làm xa, ông ấy chỉ có đúng có mỗi cái ba lô cũ sờn, mang một bên sốc qua sốc lại. Thời điểm đó tôi là một đứa con nít không biết gì, chỉ thấy nhớ khi ông ấy đi làm xa và ao ước ba mang thật nhiều đồ ăn ngon, đồ chơi lạ về sau hai ba tháng làm xa. Ở cái tuổi 23, thấy ông ấy mặc chiếc áo cũ đến Sài Gòn, là lúc đứa con này thấy có lỗi hơn bao giờ hết.
Ông ấy, một người ít nói, chẳng bao giờ chịu nói ra những gì ông ấy đang nghĩ, chỉ chực chờ những lúc có rượu mới lấy can đảm để nói ra, nhưng lúc ấy chẳng có mấy người chịu nghe ông ấy nói, kể cả tôi nữa, tôi cũng rất ghét khi phải nghe ba "chia sẻ" những lúc ông ấy đã có men rượu. Ông ấy buồn, buồn đến mức khóc thút thit như một đứa trẻ trước mặt con cái, lúc không chịu đựng được nữa thì la hét như một người mất kiểm soát mọi thứ, khổ thân chẳng có đứa con nào kiên nhẫn chịu nghe ông ấy nói cả vì ở thời điểm đó, ông ấy hóa thân vào vai người cha bảo thủ, gia trưởng, tục tĩu.
Thời khắc tôi thay trang phục tốt nghiệp và chuyển chiếc áo ấy cho ba, thời điểm đó cũng là thời điểm tôi thấy mình gần ba nhất. Ông ấy có lẽ cũng cảm nhận được sự hạnh phúc nơi tôi và cả ông ấy. Nhìn bức ảnh này, tôi khẳng định rằng trong nhà mình giống ba nhất, giống cả hình hai đến cả tính cách.
Nhận xét
Đăng nhận xét